Ông chủ chuỗi nông sản hữu cơ Bác Tôm cho rằng làm nông sản hữu cơ, cái khó là xây dựng hình ảnh. Đây cũng là công việc lớn, tốn nhiều công sức và chi phí.
Những khó khăn ngày đầu…
Chuỗi cửa hàng nông sản sạch đầu tiền mang tên Bác Tôm xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009 tại đường Nguyễn Công Trứ, Hà Nội, đến nay, con số này nâng lên 22 cửa hàng.
“Cha đẻ” của chuỗi cửa hàng nông sản sạch này là một thạc sĩ chuyên ngành quản lý nông nghiệp tại Đại học Larenstein (Hà Lan), anh Trần Mạnh Chiến.
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), phóng viên đã có dịp trò chuyện với ông chủ chuỗi cửa hàng Bác Tôm về những khó khăn ngày đầu xây dựng hình ảnh.
Nói về mối cơ duyên đến với thực phẩm sạch Việt Nam, anh Chiến chia sẻ: “Trước khi thực hiện dự án chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, tôi là một nhà tư vấn đơn thuần cho các dự án nông nghiệp”.
“Sau khi tìm hiểu thị trường tôi thấy rằng không có nhiều người tiêu thụ hữu cơ hay thực phẩm phẩm sạch nên mình cần phải hành động. Và như thế ý tưởng xây dựng chuỗi thực phẩm sạch bắt đầu từ đây”.
Anh Chiến bộc bạch, những ngày đầu thực hiện dự án, Bác Tôm gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý sản xuất. “Lúc đầu, người nông dân chưa biết nông sản hữu cơ là gì. Khi tôi đưa kỹ sư đến, bà con nông dân bắt đầu cảm thấy thị trường này đầy hứa hẹn.
Tuy nhiên, họ chưa thực sự tin vì vậy chúng tôi mất rất nhiều công sức và thời gian để giám sát. Khi không có người giám sát, nhiều nông dân lại không tuân thủ vì họ không tin vào cách làm của chúng tôi. Họ không tin rằng việc không sử dụng thuốc hóa học sẽ vẫn đảm bảo chất lượng nông sản”.
Không chỉ khó khăn trong khâu sản xuất mà trong khâu thị trường, Bác Tôm cũng gặp nhiều khó khăn.
Anh Chiến cho biết, những ngày đầu lập nghiệp chỉ có lượng nhỏ người tiêu dùng biết đến thực phẩm hữu cơ qua các kênh thông tin từ cơ quan sức khỏe. Những khách hàng còn lại biết rất ít về thực phẩm hữu cơ nên mất nhiều công sức để giải thích.
Nhà sáng lập chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm cho biết, người tiêu dùng đã phải đón nhận quá nhiều bê bối về an toàn thực phẩm nên niềm tin của họ đã bị tổn thương.
Mặc dù có những công ty quảng cáo rất rầm rộ rằng thực phẩm của họ là sạch và rất tận tâm nhưng cuối cùng vẫn “dính” vào bê bối. Và rồi, lòng tin của người tiêu dùng lại biến mất và họ chỉ tin vào cảm quan của chính mình như màu sắc, cấu trúc, chất lượng ăn.
Tác động của truyền thông
Ông chủ chuỗi thực phẩm hữu cơ Bác Tôm cho rằng làm nông sản hữu cơ, cái khó là xây dựng hình ảnh.
Tác động truyền thông của doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ không chân chính cũng gây nhũng loạn thị trường.
Nhiều doanh nghiệp không sản xuất thực phẩm hữu cơ nhưng vẫn đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của mình là hoạt động trong lĩnh vực. Đến khi xảy ra sự cố, lòng tin người tiêu dùng lại hao mòn.
Về truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. Đây được coi là con dao hai lưỡi. Một mặt, mạng xã hội mang lại công cụ truyền thông cho các doanh nghiệp nhưng nhiều rắc rối cũng xảy ra từ đây.
Anh Chiến chia sẻ: “Cách đây 2 tháng, một nữ khách hàng đăng ảnh lá rau của Bác Tôm bị dập nát, và lõng bõng nước lên mạng xã hội và cho rằng không phải rau hữu cơ.
Chúng tôi rất mất công đi giải thích và yêu cầu kỹ sư thực địa quay hình quá trình sản xuất sản phẩm ngay tại trang trại. Nguyên nhân của hiện tượng trên là do mưa nhiều, lá to và tích nước nhiều. Trong quá trình thu hoạch và đóng gói, rau hô hấp nên có nước trong túi. Vì vậy dẫn đến sư hiệu lầm”.
Để giải quyết những vụ này mất rất nhiều công sức và chi phí. Tuy nhiên, khi giải quyết xong thì nhiều khách hàng cũng “bỏ đi” mất rồi, anh Chiến tâm sự.
Mặc dù vậy, vượt lên trên tất cả, chuỗi cửa hàng Bác Tôm hiện nay đã lên tới con số 22.
Anh Chiến cho rằng, tiềm năng thị trường nông sản hữu cơ vẫn rất lớn: “Không giống năm 2009, thời điểm Bác Tôm mới thành lập, đi đâu chúng ta cũng nghe mọi người nói về câu chuyện thực phẩm hữu cơ, thực phần an toàn. Trong khi đó, chúng ta mới chỉ đáp ứng 1% nhu cầu thực phẩm hữu cơ, thực phẩm an toàn dưới 10%. Như vậy, tiềm năng của chúng ta còn 90 – 99%”.