Tự tay làm chè khoai dẻo: NGON cực DỄ làm tại nhà!

   Chè khoai dẻo (tiếng Anh: Taro Balls; tiếng Trung: 芋圓) là món tráng miệng truyền thống của người Phúc Kiến, làm từ khoai môn và sương sáo. Món này phổ biến tại các cửa hàng ăn nhẹ ở Đài Loan, với những viên khoai dẻo được làm từ khoai môn hấp chín, nghiền nát, trộn với bột năng và đường để đạt độ dẻo mềm, dai ngọt. 

   Khoai môn mang đến màu tím hoặc xám đặc trưng cho món chè. Những viên khoai dẻo không chỉ thơm ngon mà còn bắt mắt với màu sắc đa dạng từ khoai tím, khoai lang, đến khoai môn, khiến nhiều người khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn của món ăn này. Hãy cùng BÁC TÔM vào bếp khám phá công thức tạo ra thức quà bắt mắt mà vô cùng ngon miệng: chè khoai dẻo nhé!

  Nguyên liệu nấu chè khoai:

   Làm khoai dẻo

200g khoai môn       200g khoai lang vàng        200g khoai lang tím

120g đường cát       300g bột năng                  180ml nước nóng

   Topping ăn kèm

100g đậu đỏ               450ml nước                  Thạch sương sáo

50g bột thạch đen      10g đường                   1 lít nước lọc

   Làm nước dừa chan

200ml nước cốt dừa     150ml kem béo          50g sữa đặc

2g muối                        6g bột năng + 30ml nước

   Chè khoai dẻo là sự tổng hợp từ nhiều loại khoai khác nhau, bởi vậy, số lượng không không hề hạn chế. Bạn hoàn toàn có thể gia giảm số lượng các loại khoai và thêm vào tùy theo sở thích để có một món chè khoai dẻo chuẩn với khẩu vị của bản thân cùng gia đình.

  Các bước chế biến chè khoai:

   Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

   Các loại khoai được gọt bỏ kỹ càng để loại bỏ phần thâm, mọc mầm hoặc bị hà đắng. Sau đó, khoai được cắt thành các khoanh tròn, mỏng khoảng 1 cm. Việc cẩn thận ở bước này rất quan trọng để món chè khoai dẻo giữ được vị ngọt tự nhiên, không bị lẫn những miếng khoai bị hà. Lá dứa được rửa sạch, loại bỏ gai và cắt nhỏ, còn gừng thì được rửa sạch và băm nhuyễn.

   Bước 2: Hấp khoai

   Đầu tiên, xếp khoai vào nồi hấp và hấp với lửa lớn khoảng 15-20 phút cho đến khi có thể dễ dàng đâm xuyên qua miếng khoai. Khi khoai đã chín, gắp ra và chia ra các bát riêng để không bị lẫn màu. Trong khi khoai vẫn còn ấm nóng, thêm vào mỗi tô 40g đường cát và 100g bột năng, sau đó trộn đều.

   Tiếp theo, múc từng muỗng nước nóng vào hỗn hợp khoai và nhào cho đến khi thành khối bột mềm, dẻo mịn. Lưu ý rằng lượng nước nóng sử dụng cho khoai môn là 40ml, trong khi khoai lang vàng và tím cần 70ml mỗi loại. Bạn cũng có thể hấp khoai dễ dàng và tiện lợi hơn với nồi cơm điện.

  Bước 3: Tạo hình viên khoai

   Sau khi nhào kỹ đến khi bột khoai mịn, bạn có thể nặn thành những viên khoai nhỏ với hình thù sáng tạo, vừa ăn. Mỗi loại khoai sẽ tạo ra các viên khoai có hình dáng khác nhau, bạn cũng có thể trộn các loại khoai để tạo thành màu sắc mới.

   Bạn có thể lăn khối bột thành những thanh dài to bằng ngón tay rồi cắt thành từng hình trụ tròn nhỏ, có thể tạo thành hình tròn, vuông hoặc hình chữ nhật để tạo hình khối cho bắt mắt.

   Sau khi nhào nặn xong, áo thêm một lớp bột năng bên ngoài để chống dính, sau đó khi luộc hãy rây bớt phần bột năng thừa đi. Làm lần lượt như vậy với từng loại khoai để đảm bảo mỗi loại khoai đều có hình dáng và màu sắc riêng biệt

  Bước 4: Luộc bột khoai

   Bắc một nồi nước và đun sôi. Khi nước sôi đều, đổ các viên khoai đã nặn vào và tiếp tục đun. Những viên khoai chín sẽ nổi lên trên mặt nước, lúc đó dùng muôi lỗ vớt chúng lên và ngâm vào bát nước đá đã chuẩn bị sẵn.

   Sau khoảng 5 phút,  Vớt khoai ra và ngâm vào thau nước đá lạnh để làm nguội. Trộn đều với 15g đường để các miếng khoai không dính vào nhau. Điều này giúp giữ cho các viên khoai dẻo được tách rời và có hương vị ngọt ngào, hấp dẫn hơn. Khi các viên khoai đã nguội, vớt ra tô và có thể cho thêm chút đường nâu hoặc mật ong, trộn đều để giữ độ dẻo và chống dính.

  Bước 5: Làm nước cốt dừa

    Đun sôi 200ml nước cốt dừa, sau đó cho vào 150ml kem béo và khuấy đều. Thêm 50g sữa đặc và 2g muối, tiếp tục đun đến khi sôi rồi hạ nhỏ lửa. Hòa tan 6g bột năng với 30ml nước, rồi từ từ cho vào nồi, khuấy đều và đun thêm khoảng 3 phút trước khi nhấc ra để nguội. Khi hỗn hợp nguội, nó sẽ trở nên đặc sánh hơn, tạo ra lớp kem thơm ngon cho món chè.

  Bước 6: Làm thạch sương sáo

   Hòa tan gói bột thạch với 200ml nước, khuấy đều. Tiếp theo, bắc nồi lên bếp, cho vào 800ml nước và 10g đường, đun sôi. Sau khi nước sôi, cho bột sương sáo đã trộn vào và khuấy đều cho đến khi hỗn hợp trở nên trong suốt. 

   Đổ hỗn hợp vào khuôn, để nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để thạch cứng lại. Khi thạch đã đông, cắt thành từng khối vuông vừa ăn.

  Bước 7: Nấu đậu đỏ

   Đầu tiên, vo sạch đậu đỏ rồi ngâm vào nước tối thiểu 4 tiếng hoặc ngâm qua đêm. Sau đó, vớt đậu ra rửa sạch và cho vào nồi, thêm nước vào rồi bắc lên bếp đun. Khi nước sôi, hạ nhỏ lửa và nấu khoảng 1 tiếng đến khi nước cạn bớt và đậu chín mềm. 

   Nếu muốn đậu có vị ngọt, bạn có thể thêm 50g đường. Vậy là phần đậu đỏ đã hoàn thành và sẵn sàng cho món chè.

  Bước 8: Thưởng thức chè khoai dẻo thơm ngon

    Sau khi đã hoàn thành tất cả các nguyên liệu, bạn chỉ cần múc những miếng khoai dẻo mềm dai, bùi béo ra bát. Tiếp đó, thêm những miếng thạch sương sáo đen tuyền, bắt mắt. Cuối cùng, tưới lên nước cốt ngọt thơm là bạn đã có thể thưởng thức ngay món chè khoai dẻo vạn người mê này rồi! Món chè không chỉ ngon miệng mà còn rất hấp dẫn, chắc chắn sẽ khiến ai cũng phải say mê.

   Lưu ý để chế biến ngon hơn:

   Khi mua khoai, nên chọn củ tươi mới, kích thước vừa phải, ít bị xơ cứng phía sát trong vỏ và ở hai đầu củ khoai. Khoai môn ngon khi cắt đôi sẽ có màu trắng đục xen kẽ các vân tím. Trong quá trình nhào bột, nếu thấy có xơ thì lấy ra để viên khoai dẻo được mịn, đẹp hơn.

   Sau khi khoai đã chín, lấy một loại ra để nhào bột, hai loại còn lại vẫn để trên bếp và đậy nắp xửng hấp để khoai luôn nóng. Chỉ lấy ra loại nào khi làm đến loại đó, như vậy sẽ dễ nhồi bột hơn.

   Nếu dùng nhiều bột năng thì viên khoai sẽ dai hơn, nhưng nếu sử dụng quá nhiều sẽ làm mất đi hương vị đặc trưng của khoai. Khối bột đã nhào xong nên được bọc kín để bột không bị khô.

   Lượng nước luộc phải nhiều gấp 6 lần lượng khoai. Khi nước sôi hẳn mới cho viên khoai vào luộc để khoai không bị chảy hoặc vón cục lại với nhau. Điều này giúp đảm bảo rằng các viên khoai sẽ được nấu chín đều và không bị dính vào nhau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one
Liên hệ ngay